BIỆN PHÁP TẠO HỨNG THÚ ĐỂ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC KHI VIẾT VĂN
BIỆN PHÁP TẠO HỨNG THÚ ĐỂ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC KHI VIẾT VĂN
1. Những lỗi thường gặp của học sinh khi viết văn
1.1. Bài văn có mở bài đơn giản, theo lối mòn
Ví dụ:
Với đề bài "Em hãy tả người mẹ yêu quý của em." Học sinh thường có mở đầu như sau: "Trong gia đình em, mẹ là người em yêu quý nhất" hay đảo lộn trật tự một số từ để có những câu tương đương như "Trong gia đình em, người em yêu quý nhất là mẹ"; "Trong gia đình ai em cũng quý, cũng yêu, nhưng người em yêu quý nhất là mẹ." Và nếu đề bài thay đổi đối tượng tả là ông, bà, bố, anh, chị, em... thì ông, bà, bố, mẹ, anh, chị em ... trở thành người được em yêu quý nhất. Điều đó cho thấy một lối mòn trong viết văn, trong suy nghĩ mà giáo viên tạo ra cho học sinh không dễ gì xóa được. Nhiều giáo viên cho rằng đây là kiểu mở bài có thể áp dụng đại trà và dễ dàng nhất. Bài văn học sinh viết như trên thường được xem là biết cách mở bài, thậm chí đúng đáp án, biểu điểm nếu nó là một đề thi, đề kiểm tra. Kiểu mở bài này không sai, tuy nhiên tính sáng tạo rất thấp.
1.2. Bài văn ngắn, khô khan, nghèo cảm xúc, mang tính liệt kê
Ví dụ:
- Giá sách của em bằng gỗ, gắn liền với bàn học. Nó có ba ngăn. Một ngăn em để bút, một ngăn em để sách vở, một ngăn để truyện.
- Cây bàng cao đến mái nhà. Thân nó to. Cây bàng có nhiều cành. Lá màu xanh. Quả ăn có vị chát.
Về cơ bản, câu văn rõ nghĩa, đúng ý. Nhưng chỉ cần vài câu là tả xong một đồ vật, một cây một cách rất chung chung, không làm nổi bật được nét riêng của thứ định miêu tả, không một chút xúc cảm, sáng tạo khiến đoạn văn có gì đó bất ổn.
1.3. Bài văn lỗi trong cách dùng từ đặt câu, diễn đạt, dấu câu, chính tả
Ví dụ: Ông em có hai cái tai như hai cái mộc nhĩ luôn luôn ve vẩy. (Hình ảnh, diễn đạt)
Ông em chạy nhanh như con chó sói. (Hình ảnh)
Tuy ông em không nói nhỏ nhẹ nhưng em biết ông rất yêu em. (Diễn đạt)
Bà em có vầng trán rộng, lồi lên biểu lộ sự thông minh. (Dùng từ)
Cô giáo em mắt như hai hạt hồng xiêm. Dưới sống mũi dọc dừa là hai lỗ mũi đang thở ra hít vào. (Hình ảnh, dùng từ)
Cún con mới dễ thương làm sao. (!) (Dấu câu)
Chú cún có bộ lông xanh mướt.(dùng từ) Mắt của nó màu đen. Râu của nó dài. đuôi thì đen…(Lặp từ, liệt kê)
Em rất yêu quý con chó nhà em. (dùng từ, lặp từ) Con chó lông trắng mắt nó em yêu chú lắm. (Không rõ nghĩa)
Cây bàng cao thân cây. Xù xì (Dấu câu)
Có nhiều cành, nhiều lá rậm rạp. (Thiếu thành phần chính)
Con gà trống dậy rất sớm. Nó dậy sớm để báo thức mọi người.(Lặp từ) Chiếc cặp của em màu đỏ giúp em học giỏi.(Không tương hợp về nghĩa)
2. Những cách để tạo hứng thú cho học sinh khi học và viết văn
2.1. Làm cho học sinh nhận thức được mục tiêu, lợi ích của bài học
Hứng thú là một thuộc tính tâm lí mang tính đặc thù cá nhân. Đối tượng của hứng thú chỉ là những cái cần thiết, có giá trị, có sức hấp dẫn với cá nhân. Vậy vấn đề gì thu hút sự quan tâm, chú ý tìm hiểu của các em? Trả lời được câu hỏi này nghĩa là người GV đã sống cùng với đời sống tinh thần của các em, biến đổi những nhiệm vụ học tập khô khan phù hợp với những mong muốn, nhu cầu, sở thích, nguyện vọng (tất nhiên là phải tích cực, chính đáng) của HS. Hứng thú học tập trước hết được tạo ra bằng cách làm cho HS ý thức được lợi ích của việc học để tạo động cơ học tập. Với mỗi bài học cụ thể, giáo viên cần giúp cho học sinh nhận ra tính lợi ích của một nội dung nào đó. Chẳng hạn, sự cần thiết của dấu phẩy sẽ được làm rõ khi chỉ ra sự khác nhau về nghĩa của hai câu: Đêm hôm, qua cầu gãy và Đêm hôm qua, cầu gãy. Tính lợi ích của một nội dung dạy học cũng được thể hiện rõ khi chúng ta đặt ra sự đối lập giữa “có nó” và “không có nó”, ví dụ: Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không có chữ viết? Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta không có những từ đồng nghĩa, không có câu ghép?... Một thủ thuật rất dễ gây hứng thú cho học sinh bằng cách này là "xuất bản" bài viết của các em. Sẽ là tuyệt vời nếu bài viết được đăng trên các tờ báo, tạp chí dành cho các em, điều đó kích thích các em thể hiện khả năng của mình. Để làm việc này giáo viên có thể chọn giới thiệu những bài viết hay của các bạn nhỏ trên các báo Nhi đồng, Khăn quàng đỏ, Hoa Trạng nguyên, Thiếu niên Tiền phong... khuyến khích học sinh đọc và phân tích cái hay trong những bài viết, bài thơ, câu chuyện đó. Giúp học sinh đặt câu hỏi tại sao các bạn viết được? Mình viết có được không? Nếu có bài được đăng, em sẽ cảm thấy thế nào? Muốn viết bài được đăng, chúng ta phải làm gì?... Trong trường hợp khác, khi bài viết của các em chưa đủ tốt để đăng trên các tạp chí, báo dành cho lứa tuổi, chúng ta xuất bản dạng báo tường hoặc tập san trong trường, đăng trên website trường ... Vời mỗi bài được đăng cộng với nhận xét tích cực từ giáo viên, sẽ là nguồn động lực cực lớn tạo ra hứng thú cho các em.
2.2. Tạo ra hệ thống bài tập luyện viết câu sinh động, giàu xúc cảm
Nội dung dạy học Tập làm văn được chia ra rất nhiều cấp độ. Để giúp học sinh viết tốt, giáo viên phải giúp các em nắm vững các mạch kiến thức - kĩ năng, cụ thể hóa đến nhóm, kiểu, dạng bài tập và cho đến tận từng bài tập cụ thể. Ví dụ: Từ cách dẫn dắt, gợi mở của giáo viên và từ một ý cho trước hay từ một câu đơn (chỉ có một cụm chủ ngữ, vị ngữ), giáo viên hướng dẫn học sinh tập mở rộng câu bằng cách thêm các thành phần phụ cho câu như: trạng ngữ, bổ ngữ, động từ, tính từ, từ láy, từ tượng hình, từ tượng thanh,…Sử dụng các hình ảnh, chi tiết sinh động biểu cảm; các biện pháp nghệ thuật như: nhân hoá, so sánh, điệp từ, điệp ngữ, hoán dụ, phóng đại,…làm cho cách diễn đạt câu văn, đoạn văn, thêm cụ thể, sống động giúp người đọc như cùng cảm nhận với mình. Bài tập luyện viết câu sẽ giúp học sinh có ý thức viết văn ngày càng chặt chẽ về ý tứ, sinh động, giàu xúc cảm,…từ đó giúp các em thêm hứng thú học tập môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng. Sau đây là một số ví dụ (bài tập) về cách dùng từ, viết câu văn sinh động:
*Bài tập 1: Từ những câu văn đã cho, viết lại cho sinh động, gợi cảm xúc bằng cách thêm biện pháp nghệ thuật:
Các em học sinh quần áo đủ màu sắc sặc sỡ đang nô đùa trên sân trường./ Các em học sinh quần áo đủ màu sắc sặc sỡ đang nô đùa trên sân trường tựa như một đàn bướm xinh tung tăng bay lượn. (Biện pháp so sánh).
Ông Hét đến cửa nhà tôi./ Ông Hét, người đàn ông đáng sợ nhất mà tôi từng gặp, đã đến cửa nhà tôi. (Giải thích) Bông hoa hồng xinh đẹp./ Bông hoa hồng xinh đẹp đang tươi cười và thì thầm toả hương thơm. (Biện pháp nhân hoá).
Tôi yêu những người dân đi biển làng tôi, mặt biển trong xanh dậy sóng và những con thuyền rẽ sóng ra khơi./ Tôi yêu những người dân đi biển làng tôi, yêu mặt biển trong xanh dậy sóng và yêunhững con thuyền rẽ sóng ra khơi. (Biện pháp điệp từ).
Xa xa, những cánh buồm nhấp nhô trên sông, mấy người dân chài thấp thoáng, vài cách chim chiều tản mạn bay về tổ./ Xa xa, nhấp nhô những cánh buồm trên sông, thấp thoáng mấy người dân chài, tản mạn vài cánh chim chiều bay về tổ. (Biện pháp đảo ngữ).
*Bài tập 2: Điền thêm từ thích hợp vào chỗ dấu chấm chấm để tạo thành những câu văn gợi tả, gợi cảm:
Cổng trường…chúng em vào lớp. / Cổng trường đang giang rộng vòng tay đón chúng em vào lớp. (Biện pháp nhân hoá). Màn đêm đen sẫm…/ Màn đêm đen sẫm như một tấm màn nhung huyền bí (Biện pháp so sánh). Tôi lớn lên bằng…/ Tôi lớn lên bằng tình thương của mẹ, tình thương của cha và sự chở che của bà con làng xóm. (Biện pháp điệp ngữ).
*Bài tập 3: Diễn đạt lại những câu văn sau đây bằng cách thêm các từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật cho sinh động, gợi cảm.
Mùa xuân vừa đến./ Mùa xuân vừa đến mang theo trong gió mùi thoang thoảng của đất, mùi của những lá cỏ non mới mọc và cả mùi ngai ngái của những đống rơm khô thấm đẫm mưa xuân. Hoa cam trắng muốt/ Hoa cam kết lại thành chùm, bông hoa trắng muốt, bung tỏa năm cánh sao nhũ bạc duyên dáng. Hương cam ngan ngát, dịu nhẹ./Mùa hoa nở, hương cam ngan ngát dịu nhẹ dâng lên khiến không khí vườn quê thật thanh mát, trong lành, dễ chịu. Khi mùa thu đến, quả bàng vàng óng./ Khi mùa thu bắt đầu thêu lên vòm lá xanh dịu dàng những chiếc lá vàng, lá đỏ thì quả bàng cũng chuyển màu vàng óng.
2.3. Giúp các em thấy vẻ đẹp và khả năng kì diệu của văn chương
Ngoài cách viết câu, dùng từ, ngữ nêu trên; trong giảng dạy giáo viên cần hướng dẫn học sinh chú ý đến các đặc điểm cấu tạo của từ Tiếng Việt là đa dạng về kiểu loại (từ đơn, từ ghép, từ láy), phong phú về ý nghĩa (từ một nghĩa, từ nhiều nghĩa, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm khác nghĩa,…), linh hoạt về cách sử dụng (từ dùng trong sinh hoạt, trong sách vở khoa học, từ địa phương, từ nghề nghiệp. Không có con đường nào tốt hơn để làm nảy sinh và duy trì hứng thú của học sinh với tiếng Việt và văn học ngoài cách giúp các em thấy được sự thú vị, vẻ đẹp và khả năng kì diệu của chính đối tượng học tập - tiếng Việt, văn chương. Từng giờ, từng phút trong giờ tiếng Việt, người giáo viên đều hướng đến hình thành và duy trì hứng thú cho học sinh. Đó có thể là một lời vào bài hấp dẫn cho giờ Tập đọc: Đây là một con chim sẻ rất nhỏ bé. Thế nhưng nhà văn Tuốc-ghê-nhép đã kính cẩn nghiêng mình thán phục trước nó, vì sao vậy? Chúng ta hãy cùng nhau đọc bài Con sẻ để trả lời câu hỏi này. Hứng thú của học sinh cũng được khơi dậy từ việc chỉ ra vẻ đẹp của một từ, cái hay của một tình tiết truyện, chẳng hạn: Tiếng hót của chim chiền chiện không phải “ríu rít”, “thánh thót” mà “ngọt ngào”, “long lanh”, “chan chứa” thì mới gây ấn tượng. Hoa sầu riêng nở “tím ngát” chứ không phải chỉ “tím ngắt” hay “ngan ngát”. Như thế thì mới có cả màu hoa, hương hoa chỉ trong một từ. Tình tiết người mẹ cho hồ nước đôi mắt của mình để tìm đường đến chỗ Thần Chết đòi trả lại con trong chuyện Người mẹ của An-đéc-xen đến nay còn lay động tâm can biết bao người...
2.4. Đổi mới cách ra đề tập làm văn
Với Tập làm văn, để kích thích hứng thú của học sinh, ta có thể thay đổi cách ra đề. Bàn về vấn đề này, GS Lê Phương Nga cho rằng thay vì những đề văn cộc lốc như tả lại khu vườn nhà em, tả lại cánh đồng làng em, tả cô giáo/bố/mẹ… em, cần có những đề văn khuyến khích và tạo điều kiện để HS viết sáng tạo.
- Ví dụ, thay vì yêu cầu HS tả một loài hoa yêu thích, GV có thể ra đề như sau: "Để lại sắc vàng trong nắng Cúc vẫy tay chào mùa thu Để lại hương nồng trong gió Ngọc lan khẽ bước qua mùa… Từ ý thơ trên, em hãy tả một loài hoa mà em yêu thích." - Hay, thay vì yêu cầu HS tả dòng sông quê em, GV có thể ra đề: "Buổi sáng, khi ông mặt trời thức giấc, dòng sông quê em vàng rực rỡ với những hạt nắng vàng nhảy nhót trên sóng. Buổi trưa, sông lại hiền hòa yên ả với con đò êm êm khua nước, với những rặng cây xanh mướt nghiêng soi, xanh mầu xanh thăm thẳm của trời. Em hãy tả lại sự thay đổi của dòng sông quê em trong ngày để mọi người cùng biết."
- Một ví dụ khác mà GS Lê Phương Nga sử dụng trong bài giảng của mình: "Một con sẻ non mép hãy còn vàng óng, trên đầu chỉ có một nhúm lông tơ rơi từ trên tổ xuống đất. Con chó săn tiến lại gần. Bỗng sẻ mẹ từ một ngọn cây gần đó lao xuống, lấy thân mình phủ kín sẻ con… Con chó săn bối rối, đứng dừng lại rồi quay đầu bỏ chạy… Em hãy đặt mình trong vai sẻ con để kể lại câu chuyện trên và nói lên cảm nghĩ của mình khi được bảo vệ bằng đôi cánh yêu thương, bằng lòng dũng cảm của mẹ. Những đề TLV kiểu này giúp HS có được định hướng rõ ràng khi viết, không mơ hồ khi bắt tay vào việc làm bài.
2.5. Phối hợp các phương pháp và các hình thức dạy học linh hoạt
Ngoài việc khai thác sự lí thú trong chính nội dung dạy học, hứng thú của HS còn được hình thành và phát triển nhờ các phương pháp, thủ pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với sở thích của các em. Đó chính là cách tổ chức dạy học dưới dạng các trò thi đố, các trò chơi, tổ chức hoạt động sắm vai, tổ chức hoạt động học theo nhóm, tổ chức dạy học dự án, tổ chức dạy học ngoài không gian lớp học... Đối với môn Tập làm văn, để tạo ra hứng thú cho HS, chúng ta có thể tham khảo một số cách làm sau đây:
- Yêu cầu HS viết các mẩu chuyện truyền thống theo quan điểm khác. Ví dụ, yêu cầu học sinh đọc kĩ truyện Tấm Cám và kể lại câu chuyện về Tấm theo quan điểm của Cám; Xem video "Ba chú lợn con" và kể lại câu chuyện dưới cách nhìn của Sói,… Bàn về vấn đề này, GS Lê Phương Nga rất tâm đắc với một đề bài việc yêu cầu học sinh kể lại câu chuyện Thỏ và Rùa theo một cách khác mà nội dung của nó sẽ là Thỏ và Rùa cùng tham gia một cuộc chạy thi do các cư dân của khu rừng tổ chức. Thỏ và Rùa đã bàn với nhau, trên quãng đường bộ, Thỏ cõng Rùa, khi đến suối, Rùa cõng Thỏ trên lưng mình và bơi qua. Vì biết phối hợp với nhau, hai bạn đã giành giải nhất. Điều này khiến câu chuyện không còn dừng lại ở việc phê phán hay khen ngợi một ai đó mà nó giúp học sinh hiểu được giá trị của sự hợp tác và trên hết, giúp học sinh có các nhìn mới mẻ, sáng tạo về câu chuyện.
- Cho phép HS sáng tạo những nhân vật giả tưởng thú vị và hợp lí. Công việc này giúp học sinh phát huy tối đa trí sáng tạo của mình cộng với khả năng quan sát thực tế. Mỗi nhóm học sinh có thể cùng nhau xây dựng một nhân vật giả tưởng với đầy đủ những chi tiết cụ thể về hình dáng, tính cách, khả năng đặc biệt của nhân vật đó. Thực hiện công việc này, chúng ta có thể cho HS làm việc theo nhóm với những yêu cầu riêng cho từng nhóm như xây dựng một nhân vật siêu anh hùng có thể giúp Trái Đất thoát khỏi thảm họa diệt vong do bị thiên thạch va phải; xây dựng hình ảnh bà phù thủy độc ác có những khả năng đặc biệt khiến mọi người lo lắng; … hoặc đơn giản hơn là xây dựng, mô tả một bạn bị thất lạc theo cách sau: Đặt một cái ghế vào chỗ trống trong lớp, giả vờ là chỗ đó của Bin thường ngồi (phải đảm bảo rằng tên người thất lạc bạn chọn không trùng với tên bạn nào trong lớp). Hãy chỉ vào cái ghế trống đó và hỏi cả lớp xem Bin ở đâu. Nói cho HS biết Bin vẫn thường ngồi ở vị trí của bạn ấy (chỉ vào cái ghế trống) và hôm qua bạn ấy vẫn ngồi chỗ đó nhưng hôm nay không có ở đó. Hi vọng là ai đó trong lớp sẽ nghĩ ra lí do tại sao Bin không có ở lớp hôm nay. Tạo ra tranh luận bằng cách nói rằng bạn đã nghe thấy một lí do khác. Hỏi xem có ai biết gì khác về chuyện Bin vắng mặt không? Ai là người cuối cùng nhìn thấy Bin. Tiếp tục giải thích như vậy để HS đưa ra các dự đoán Bin đang ở đâu, vì sao? Cuối cùng, nói rằng vì Bin thất lạc nên chúng ta phải làm một tờ thông báo tìm người thất lạc, giải thích Bin là ai, mô tả nhận dạng, tính cách, thói quen của Bin (có thể kèm theo một hình vẽ để mọi người dễ nhận ra Bin), thông báo là đã nhìn thấy Bin lần cuối cùng ở đâu, có thể liên lạc với ai nếu các bạn nhìn thấy Bin,… Khi làm xong tờ thông báo hãy dán nó ở nơi có nhiều bạn trong trường tập trung nhất.
- Tạo ra sự mới mẻ khi giải thích những sự việc hiển nhiên trong thực tế. Ví dụ yêu cầu học sinh sáng tác truyện để giải thích tại sao con Voi có cái vòi dài, tại sao con Báo có những đốm màu, Tại sao cổ con Hươu lại cao.. sau khi học sinh đọc những câu chuyện như "Trí khôn của ta đây" (giải thích màu vằn vện trên lưng Hổ và vì sao Trâu không có hàm răng trên) hay Quạ và Công (giải thích tại sao Công có bộ lông đẹp mà Quạ thì đen thui, xấu xí) … - Miêu tả một con vật mới lạ: Yêu cầu HS miêu tả một con vật do các em tự sáng tạo ra. Nó trông như thế nào? Giống cái gì? Nó sống ở đâu? Nó ăn gì? Nó làm được điều gì?...Sau đó cho học sinh trao đổi, thảo luận và hoàn thiện bài viết của mình trong nhóm, trong lớp.
- Tập làm thám tử. Ví dụ GV lấy một số đồ vật của một người nào đó, cho học sinh quan sát kĩ các đồ vật đó để đoán đặc điểm, tính cách, lứa tuổi, sở thích, ước mơ … của người sở hữa các vật đó. Việc làm này giúp học sinh phát triển khả năng quan sát, suy đoán vừa logic vừa sáng tạo.
- Người nổi tiếng. Học sinh sẽ thử tưởng tượng mình là một nhân vật nổi tiếng nào đó, Tống thống Mỹ hay Chủ tịch Triều Tiên chẳng hạn. Trình bày các công việc mà em định làm nếu em là nhân vật đó. Dạng yêu cầu này giúp học sinh phát triển khả năng hùng biện và có hiệu quả rất lớn khi trình bày ý tưởng của mình.
- Viết vòng tròn. Đây là một hoạt động viết trong đó HS cùng nhau sáng tạo nên một câu chuyện. Hãy cho HS một câu mở đầu, ví dụ " Bầu trời xám xịt, những đám mây nặng nề trĩu xuống, gió thổi ào ào như chuẩn bị có bão. Nam đang hối hả bước trên đường…" và yêu cầu từng em trong nhóm viết tiếp trong ba phút. Các em trong nhóm sẽ luân phiên chuyển bài viết của mình đến bạn khác trong nhóm. Từng em sẽ đọc câu chuyện và tiếp tục viết trong ba phút. Thực hiện việc này trong ba đến bốn vòng và nhóm cuối cùng sẽ phải kết thúc câu chuyện, đọc nó lên để mọi người biết câu chuyện đã diễn ra thế nào? …
Ngoài ra, việc cho học sinh được tiếp cận, được đọc những tác phẩm nổi tiếng phù hợp với lứa tuổi cũng được xem là phương pháp tốt để khơi lên hứng thú của các em. Việc đọc có vai trò rất hữu ích đối với việc phát triển khả năng viết cho học sinh, đặc biệt là khi học sinh được đọc những tác phẩm làm say mê hàng triệu người. Không có cách gì tạo ra hứng thú với tiếng mẹ đẻ và văn chương ngoài con đường cho trẻ tiếp xúc trực tiếp, càng nhiều càng tốt với những tác phẩm văn chương, những mẫu hình sử dụng ngôn ngữ mẫu mực vì: Không làm thân với văn thơ thì không nghe thấy được tiếng lòng chân thật của nó (Lê Trí Viễn). Có thể kể một số tác phẩm có tính kinh điển trong và ngoài nước như Đất rừng Phương nam; Dế Mèn phiêu lưu kí; Tuổi thơ dữ dội; Chú bé có tài mở khóa; Cái tết của mèo con... Không gia đình; Hai vạn dặm dưới đáy biển; Những cuộc phiêu lưu của TomSoyer; Đảo giấu vàng...
2.6. Xây dựng "không gian sáng tạo" cho các em
Bên cạnh việc tác động vào nội dung và phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, việc thiết lập một "không gian sáng tạo" cho các em cũng hết sức quan trọng. Lớp học phải được thiết kế tạo ra sự thoải mái nhất cho các em. Ở đó học sinh không bị bó buộc bởi vị trí ngồi học, không đơn điệu với phấn trắng, bảng đen và đặc biệt phải ở trong một mối quan hệ hợp tác tích cực tốt đẹp giữa thầy và trò, giữa bạn với bạn trong những giờ học "mở". Hình thức tổ chức dạy học hấp dẫn cùng với một bầu không khí thân ái hữu nghị trong giờ học sẽ tạo ra sự hứng thú cho cả thầy và trò. Bởi vì, học là hạnh phúc không chỉ vì những lợi ích mà nó mang lại, mà hạnh phúc còn nằm ngay trong chính sự học. Một giờ học mở không thể là giờ học mà quan hệ thầy - trò chỉ là quan hệ một chiều theo kiểu người thầy độc quyền thuyết giảng kiến thức, còn học sinh thì lắng nghe và tiếp thu một cách thụ động. Trái lại, một giờ học mở phải là giờ học lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh có quyền trao đổi, thậm chí có thể có ý kiến phản biện lại những điều thầy giáo trình bày. Theo đó, mỗi giờ học mở là một diễn đàn học thuật để thầy và trò cùng nhau thảo luận, bàn bạc, tranh luận một cách cởi mở, thẳng thắn cho đến khi tìm ra chân lí.
Tác giả: Vũ Trọng Đông
Nguồn trích: https://dongthap.edu.vn/tin-giao-duc/tin-noi-bo/tao-hung-thu-de-phat-trien-sang-tao-cua-hoc-sinh-tieu-hoc-kh.html