Loading [MathJax]/extensions/AssistiveMML.js

XÂY DỰNG ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ MÔN TIẾNG VIỆT Ở TIỂU HỌC THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

XÂY DỰNG ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ MÔN TIẾNG VIỆT Ở TIỂU HỌC THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Nguồn: Lương Thị Hiền, Nguyễn Thu Hường (2023), "Xây dựng đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt ở tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Thực trạng và giải pháp", Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia Chương trình Giáo dục môn Ngữ văn 2018 và sách giáo khoa Ngữ văn, Thực tiễn dạy học môn học và những vấn đề đặt ra cho đào tạo giáo viên, NXB Thông tin và Truyền thông.

Bài viết của chúng tôi hướng tới việc cung cấp một cái nhìn tổng quan và chi tiết về thực trạng và những khó khăn trong việc biên soạn đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt ở tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Khảo sát được tiến hành với 264 giáo viên Tiếng Việt tiểu học từ nhiều tỉnh thành, phản ánh quan điểm và kinh nghiệm từ nhiều bối cảnh giáo dục khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn giáo viên đánh giá cao vai trò quan trọng của bài kiểm tra định kì trong môn Tiếng Việt, nhất là trong việc hình thành và phát triển năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, kiểm tra định kì chỉ là một phần trong các hình thức đánh giá học tập. Việc đánh giá cần được xem xét trong một bối cảnh toàn diện hơn. Mặc dù giáo viên thể hiện nỗ lực cao trong việc học hỏi, nâng cao năng lực biên soạn đề kiểm tra định kì song còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng tiêu chí và rubric đánh giá năng lực, đo lường độ khó bài tập, tìm nguồn tài nguyên phù hợp, xác định mục tiêu đánh giá, hạn chế về trình độ công nghệ thông tin và quản lí thời gian. Nhiều giáo viên còn cảm thấy chưa hoàn toàn tự tin vào năng lực biên soạn đề của mình.

Những giải pháp được đề xuất cơ bản gồm:

📍 Biện pháp 1: Bồi dưỡng chuyên sâu cho giáo viên về kĩ năng biên soạn đề kiểm tra định kì Giáo viên về cơ bản cần thành thạo các bước sau theo quy trình biên soạn đề kiểm tra định kì. Quy trình biên soạn đề kiểm tra định kì về cơ bản gồm 6 bước sau;:

- Bước 1: Xác định mục tiêu đánh giá (nội dung đánh giá và yêu cầu cần đạt) Phân tích chương trình Tiếng Việt ở mỗi lớp là bước đầu tiên trong quy trình xây dựng hệ thống bài tập đánh giá năng lực. Ở bước này, giáo viên cần phân xuất được các thành tố của năng lực đặc thù (các năng lực cơ bản, các kĩ năng, kiến thức,..); các nhiệm vụ mà học sinh phải thực hiện; các chỉ số biểu hiện hành vi của năng lực. Trên cơ sở đó, giáo viên xác định hệ thống mục tiêu đánh giá bám sát và bao quát toàn bộ chương trình. Đối với chương trình Tiếng Việt ở tiểu học, ở mỗi lớp, giáo viên cần phân tích được các biểu hiện của năng lực đặc thù cụ thể gồm: (1) kĩ năng đọc: kĩ thuật đọc và đọc hiểu văn bản văn học, văn bản thông tin (đọc hiểu nội dung; đọc hiểu hình thức; liên hệ, so sánh, kết nối; đọc mở rộng); (2) kĩ năng viết: kĩ thuật viết và viết câu, đoạn, văn bản (quy trình viết; thực hành viết theo đặc điểm của các kiểu văn bản); (3) kiến thức: tiếng Việt (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ); văn học (ở tiểu học, chương trình chủ yếu yêu cầu học sinh hiểu biết sơ giản về một số yếu tố của văn bản văn học). Từ đó, giáo viên tiếp tục xác định những chỉ số biểu hiện hành vi cụ thể của học sinh.

- Bước 2: Xây dựng ma trận Việc xây dựng ma trận đề kiểm tra là một bước quan trọng và cần thiết trong quá trình biên soạn đề kiểm tra, giúp xác định rõ ràng số lượng bài tập và câu hỏi cần thiết trong mỗi đề kiểm tra. Đồng thời, việc xác định tỉ lệ phần trăm của các câu hỏi, bài tập tương ứng với số điểm cụ thể sẽ giúp đảm bảo sự cân đối và công bằng trong đánh giá kết quả học tập của học sinh.

- Bước 3: Xác định định dạng của bài tập Việc xác định định dạng của các bài tập là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự đa dạng và phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh. Mỗi định dạng bài tập có ưu thế riêng đối với việc đánh giá năng lực học sinh. Các định dạng bài tập có thể bao gồm câu hỏi trắc nghiệm, với các lựa chọn như trắc nghiệm một lựa chọn, trắc nghiệm nhiều lựa chọn, và câu hỏi đúng/sai, cung cấp một cách nhanh chóng và khách quan để đánh giá kiến thức cơ bản và khả năng nhận biết của học sinh. Bên cạnh đó, đề kiểm tra cũng có thể bao gồm phần ghép nối, giúp kiểm tra khả năng kết nối và ứng dụng kiến thức. Đối với các câu hỏi tự luận hạn chế, như điền khuyết, học sinh sẽ có cơ hội thể hiện sự hiểu biết chi tiết hơn về một chủ đề cụ thể. Cuối cùng, phần tự luận trong đề kiểm tra cho phép học sinh thể hiện khả năng phân tích, suy luận và vận dụng kiến thức vào tình huống cụ thể, qua đó đánh giá sâu hơn về năng lực học tập của họ.

- Bước 4: Thiết kế hệ thống câu hỏi, bài tập theo ma trận đề Bài tập được soạn thảo dựa trên mục tiêu, nội dung, mức độ nhận thức, độ khó đã được đề ra trong ma trận. Hình thức của bài tập (câu lệnh và các phương án trả lời) cần được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và hấp dẫn.

- Bước 5: Thiết kế bảng hướng dẫn chấm điểm cho từng câu hỏi, bài tập Bảng hướng dẫn chấm điểm này cần được xây dựng một cách cụ thể và chi tiết, làm rõ cách thức để đánh giá và ghi điểm cho mỗi phần của bài kiểm tra. Với bài tự luận, cần đào tạo giáo viên về cách xây dựng rubric và tiêu chí đánh giá năng lực học sinh, giúp việc chấm điểm trở nên minh bạch và dễ dàng hơn.

- Bước 6: Rà soát, chỉnh sửa (tăng, giảm độ khó phù hợp đối tượng học sinh) Đây là bước quan trọng để đánh giá lại tính chính xác, tính khả thi, độ khó của bài tập. Giáo viên có thể nhờ chính đồng nghiệp đóng vai học sinh để kiểm tra đề. Nếu cần thiết, người biên soạn bài tập cần điều chỉnh nội dung, định dạng hoặc độ khó để đảm bảo bài tập đánh giá thực sự khả thi. Cùng với các bước trên, cần đề xuất một kế hoạch làm việc cụ thể để giáo viên có thời gian dành cho việc biên soạn đề kiểm tra chất lượng.

📍 Biện pháp 2: Hỗ trợ tài nguyên cho giáo viên biên soạn đề kiểm tra định kì Giáo viên tiểu học biên soạn đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt theo chương trình 2018 cũng cần được hỗ trợ nhiều về tài nguyên phục vụ việc biên soạn . Thứ nhất, giáo viên cần được tư vấn, hỗ trợ về tiêu chí chọn lựa ngữ liệu đọc hiểu mang tính thời sự, gần gũi, có giá trị thẩm mĩ và nghệ thuật, giá trị tư tưởng cao. Việc xây dựng những kho ngữ liệu với tài nguyên đọc hiểu phong phú và đa dạng, được khuyến nghị phù hợp với độ khó và độ dài văn bản, độ tuổi học sinh,… là hết sức cần thiết, giúp giáo viên có thêm nguồn lực để tham khảo và chọn lựa. Các văn bản này nên được tuyển chọn kĩ lưỡng để đảm bảo phù hợp với nội dung giảng dạy và mức độ phát triển của học sinh. Sự đa dạng trong tài liệu góp phần tạo ra những bài kiểm tra đánh giá hiệu quả. Thứ hai, cộng đồng giáo viên và nhà trường có thể phát triển ngân hàng đề thi với những câu hỏi, bài tập trực tuyến để giáo viên có thể trao đổi, chia sẻ và sử dụng các nguồn câu hỏi đã được kiểm định, để tiết kiệm thời gian và công sức trong việc biên soạn đề kiểm tra định kì.

📍 Biện pháp 3: Tăng cường hợp tác giáo viên Để biên soạn đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt ở tiểu học theo chương trình mới, giáo viên cần có sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Một số biện pháp hợp tác có thể được thực hiện như sau:

- Tìm cách tối ưu hóa quy trình biên soạn đề bằng cách phân công nhiệm vụ hoặc hợp tác giữa các giáo viên. Ví dụ, một giáo viên có thể chịu trách nhiệm biên soạn các câu hỏi, bài tập và một giáo viên khác có thể chịu trách nhiệm kiểm tra và đánh giá đề kiểm tra.

- Xây dựng một mạng lưới hợp tác giữa các giáo viên để chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên, giúp giáo viên ít kinh nghiệm học hỏi từ những người có kinh nghiệm hơn. Mạng lưới hợp tác có thể được tổ chức theo cấp học, theo khu vực hoặc theo nhu cầu của giáo viên.

👉Xin mời Quý Thầy/Cô quan tâm đọc toàn văn tại đây: https://drive.google.com/file/d/1JrPiZcqll519k2CjS5p289di9sAkQ-U4/view?usp=drivesdk 

Bài viết cùng danh mục