MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC PHÂN BIỆT BA KIỂU CÂU "AI LÀ GÌ?", "AI LÀM GÌ?", "AI THẾ NÀO?"

MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC PHÂN BIỆT BA KIỂU CÂU "AI LÀ GÌ?", "AI LÀM GÌ?", "AI THẾ NÀO?"

Để giúp các em phân biệt một cách rõ ràng và biết cách sử dụng về ba kiểu câu Ai là gì?, Ai làm gì? , Ai thế nào? (Lời bình: Tương tự kiểu câu giới thiệu, câu nêu hoạt động, câu nêu đặc điểm trong SGK KNTTVCS), chúng tôi có đề xuất một số biện pháp như sau:

📍Thứ nhất, cung cấp cho các em những kiến thức về kiểu câu "Ai là gì?", "Ai làm gì?", "Ai thế nào?" một cách có hệ thống và khắc sâu một số từ làm điểm nhấn.

📍Thứ hai, cung cấp kiến thức bằng cách cho các em học theo mô hình hóa đó là:

+ Kiểu câu "Ai là gì?" có mô hình: Danh từ - Danh từ.

Cấu tạo: Có bộ phận trả lời câu hỏi Là gì? (là những từ, cụm từ chỉ sự vật)

Nội dung: Dùng để giới thiệu, nhận xét.

+ Kiểu câu "Ai làm gì?" có mô hình: Danh từ - Động từ.

Cấu tạo: Có bộ phận trả lời câu hỏi Làm gì? (là những từ, cụm từ chỉ hoạt động của sự vật)

Nội dung: Dùng để nêu hoạt động - thường của con người, động vật.

+ Kiểu câu "Ai thế nào?" có mô hình: Danh từ - Động từ chỉ trạng thái/Tính từ

Cấu tạo: Có bộ phận trả lời câu hỏi Thế nào? (là những từ, cụm từ chỉ đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật được nói đến).

Nội dung: Dùng để miêu tả đặc điểm, tính chất, trạng thái của người, vật

Mẹo: Mẹo để phát hiện kiểu câu kể "Ai thế nào? đó là lược bỏ động từ mà không làm ảnh hưởng ý nghĩa chung của câu trong kiểu câu "Ai thế nào?". Ví dụ trong câu "Lan là học sinh ngoan." Ở câu này từ "học sinh" hay từ "ngoan" là chính, để xác định chính xác từ nào là chính ta lược bỏ một trong hai từ, nếu bỏ đi câu đó vẫn rõ nghĩa tức là từ đó là từ chính.

📍 Thứ ba, phân tích cụ thể cho các em về cấu trúc trong hai kiểu câu kể "Ai là gì?" và "Ai làm gì?" và mục đích sử dụng của câu đó dựa vào trong từng câu, từng hoàn cảnh giao tiếp.

Ví dụ: Câu “Nam là học sinh giỏi”

Nếu xét về mục đích sử dụng dùng để giới thiệu về bạn Nam thì câu này là kiểu câu "Ai là gì?".

Nếu câu này dùng vào việc nói đến phẩm chất con người bạn Nam thì câu này thuộc kiểu câu "Ai thế nào?".

📍 Thứ tư, học theo sơ đồ tư duy liên quan về ba kiểu câu kể "Ai là gì?", "Ai làm gì?", "Ai thế nào?" để các em dễ nhớ hơn.

📍 Thứ năm, tổ chức chơi trò chơi cho các em học sinh, vừa dễ nhớ vừa khắc sâu. Trò chơi được tổ chức như sau, chia thành các đội chơi đối đáp, một đội đưa ra chủ ngữ, một đội đưa ra vị ngữ phù hợp với chủ ngữ và yêu cầu của trò chơi. Đội nào không đưa ra được vị ngữ tiếp, không phù hợp thì đội đó sẽ thua cuộc và đội còn lại thắng cuộc.

Ví dụ: Chia làm 2 đội chơi. Đội Sao vàng và đội Sao đỏ. Trò chơi yêu cầu như sau, một đội sẽ đưa ra vế chủ ngữ, đội kia sẽ đối đáp vị ngữ sao cho tạo thành kiểu câu "Ai làm gì?". Đội nào không đưa ra được vị ngữ tiếp, không phù hợp thì đội đó sẽ thua cuộc và đội còn lại thắng cuộc. (Ví dụ: Con mèo – bắt chuột).

Thông qua trò chơi này giúp các em thêm hứng thú trong học tập và khắc sâu kiến thức, giúp các em đặt câu "Ai là gì? (Ai làm gì?)" và hiểu được ý nghĩa của vị ngữ phải tương ứng với chủ ngữ.

📍 Thứ sáu, hướng dẫn học sinh học theo bài thơ. Học như vậy sẽ giảm bớt đi sự khô khan khi học về ngữ pháp.

Ví dụ:

Câu kể "Ai là gì?"

Chữ “là” không thể thiếu

Bé cũng cần phải nhớ

Cả phía trước phía sau

Sự vật ở trong câu

Người, vật hay cây cối.

"Ai làm gì?” hơi rối

Trong câu phải có từ

Chỉ hành động của người

Của muôn loài con thú

“Ai thế nào?” tự nhủ

Trạng thái đấy bé ơi

Của vạn vật trên đời

Biết bao nhiêu cảm xúc

Ai thế nào?” có lúc

Chỉ đặc điểm bé nha

Chỉ tính chất nữa mà

Đừng quên mà thiếu sót

Đặt câu bé hãy nhớ

Muốn diễn tả điều gì

Từ ngữ chọn lọc thôi

Chỉ cần đầy đủ ý.

Luyện từ câu không khó

Đừng nhăn nhó bé nha

Xác định rõ các từ

Sẽ hiểu ngay câu kể.

(Sưu tầm)

📍 Thứ bảy, luyện tập thực hành nhiều bài tập theo chuyên đề và tổng hợp về các kiểu câu.

Nguồn: Khoá luận TN của SV. Nguyễn Thị Lan Hương

Bài viết cùng danh mục