CÔNG DỤNG CỦA DẤU NGOẶC KÉP
DẤU NGOẶC KÉP
CÂU HỎI:
Dấu ngoặc kép có hai tác dụng dễ gây nhầm lẫn cho học sinh là đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp và đánh dấu phần đối thoại. Xin hỏi mẹo hay cách nào hay giúp học sinh dễ phân biệt các công dụng này không?
GIẢI ĐÁP:
Để phân biệt công dụng của dấu ngoặc kép, giáo viên có thể giúp học sinh nhận diện theo hai cách sau:
- Công dụng đánh dấu "bắt đầu và kết thúc lời nói nhân vật" được nhận diện như sau:
a) Dấu hai chấm thường đứng trước, rồi mới đến dấu ngoặc kép;
b) Phần trong ngoặc kép là lời nói trực tiếp của nhân vật trong một cuộc thoại "mặt đối mặt" nào đó.
Ví dụ:
Ngày 19-9-1954, Bác Hồ căn dặn:“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Dấu ngoặc kép có công dụng đánh dấu bắt đầu và kết thúc lời nói nhân vật được nhận diện: dấu hai chấm rồi đến dấu ngoặc kép; nội dung trong ngoặc kép là lời nói trực tiếp của nhân vật.
- Công dụng đánh dấu trích dẫn nguyên văn thì dành cho những nội dung trong ngoặc kép không phải lời nói nhân vật như: Tên tác giả, tác phẩm; cụm từ, câu văn, câu thơ được trích;...
Ví dụ:
Hà nắn nót viết vào trang giấy:” Tết đã đến thật rồi!”.(Dẫn theo SGK TV4-Chân trời sáng tạo). Dấu ngoặc kép đánh dấu trích dẫn nguyên văn. Phần nội dung trích dẫn là câu Hà ghi trên giấy, không phải lời nói trực tiếp trong hội thoại.
Hiện nay, theo Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, ba bộ sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học đều dạy nội dung kiến thức này. Với mỗi sách giáo khoa, việc phân tách công dụng có thể khác nhau đôi chút là bình thường. Thầy Cô dạy theo sách nào thì theo quan điểm sách đó, miễn là đảm bảo sự thống nhất. Ví dụ: Dấu ngoặc kép được dạy ở cả ở sách lớp 3 và lớp 4 theo quan điểm của sách Tiếng Việt - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
- Ở lớp 3, dấu ngoặc kép có 2 chức năng:
+ Đánh dấu lời đối thoại của nhân vật. Cách nhận diện: Có từ 2 người trở lên, có người trao lời và người đáp lời. Cả hai lượt lời được dẫn trực tiếp tạo thành đối thoại (nhưng không xuống dòng, dùng dấu gạch ngang đầu dòng).
+ Đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp lời người khác. Cách nhận diện: Chỉ dẫn một lượt lời trực tiếp của một người.
Như vậy, ở lớp 3, đối với học sinh còn nhỏ, các tác giả sách KNTT cho học sinh nhận diện hai công dụng dựa vào hình thức trực quan khi trình bày: 2 lượt lời hoặc 1 lượt lời. Điểm giống: Dấu hai chấm thường đứng trước, rồi mới đến dấu ngoặc kép.
- Ở lớp 4, dấu ngoặc kép có 3 chức năng:
+ Đánh dấu lời đối thoại: Như lớp 3
+ Đánh dấu tên tác phẩm, tài liệu. Cách nhận diện: Không đi kèm dấu hai chấm phía trước, tên tác phẩm trong ngoặc kép.
+ Đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp. Cách nhận diện: Dấu hai chấm thường đứng trước, rồi mới đến dấu ngoặc kép, phần trong ngoặc kép là nguyên văn câu/đoạn thơ, câu/đoạn văn trích từ tác phẩm.
Như vậy, ở lớp 4, dấu ngoặc kép đã được bổ sung công dụng.
Lương Thị Hiền (biên soạn)